Chồng không làm việc nhà vì sợ... hèn

Mẹ chồng tôi làm vợ 30 năm mà chưa bắt chồng cầm một cái chổi quét nhà.
Tôi lấy chồng được 5 năm, hai vợ chồng tôi đều làm viên chức nhà nước. Chúng tôi không ở cùng bố mẹ mà ở nhà riêng. Chồng tôi vốn sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lại được bố mẹ nuông chiều từ bé, nên anh chẳng bao giờ phải làm việc nhà.
Chồng không làm việc nhà vì sợ... hèn 1
Chồng nhất quyết không làm việc nhà giúp vợ vì sợ bị đánh giá là hèn
Thói quen của chồng tôi là sáng ngủ dậy đi tập thể dục tầm 30 phút, sau đó trở về nhà tắm, và đi làm. Chiều đi làm về anh thường tụ tập cà phê, chém gió cùng bạn bè sau đó về nhà ăn tối với vợ. Hồi mới cưới, thấy công việc nhà cũng không quá vất vả, nên tôi cũng không cảm thấy cần anh giúp đỡ, vẫn để cho anh duy trì thói quen tập thể dục và tụ tập bạn bè.
Nhưng từ khi có thêm đứa con, thêm công thêm việc. Bà nội thì bận công việc nên tuyên bố không trông cháu, tôi phải nhờ bà ngoại ở quê lên trông, nhưng khi cháu được 2 tuổi thì bà về quê, tôi phải đưa cháu đi gửi trẻ đã gần một năm nay.
Vì không thuê ô sin sợ phức tạp, hơn nữa tìm được người biết việc, thật thà không dễ, nên buổi sáng tôi tất bật dậy cho con ăn sáng và đưa con đến trường rồi mới đến cơ quan. Trong khi đó, chồng tôi thì vẫn đều đặn đi tập thể dục về nhà rồi tắm táp và đi ăn sáng, đến cơ quan.
Buổi chiều trong lúc vợ tất tả về đón con, tắm giặt, cơm nước, và cho con ăn, thì chồng tôi lại vẫn la cà quán xá chém gió với bạn bè, đồng nghiệp, đợi đến giờ cơm thì về ăn. Ăn xong thì cũng chả làm gì ngoài xem phim và lướt web.
Vì thế tôi đề nghị với chồng bỏ thói quen tập thể dục buổi sáng và cà phê với bạn bè vào buổi chiều để phụ giúp vợ làm việc nhà, để có thời gian chăm con. Nhưng chồng tôi không chịu. Anh ấy bảo, bao nhiêu năm nay mẹ anh ấy không bắt anh ấy phải động chân động tay đén việc nhà, thì tôi cũng không có quyền gì mà bắt anh ấy làm việc nhà được.
Hơn nữa, việc chợ búa, nấu cơm, rửa bát, chăm con, dọn dẹp nhà cửa là việc của đàn bà thì tôi phải có trách nhiệm, nếu khôn làm được thì thuê người về mà làm, chứ đừng bao giờ đòi hỏi chồng phải làm những công việc như thế.
Anh còn cho rằng, làm những công việc như vậy anh cảm thấy xấu hổ với bạn bè, và cảm thấy mình trở nên hèn kém hơn trong mắt mọi người, nên anh nhất quyết không chịu làm.
Tôi đem chuyện này chia sẻ với mẹ anh, mong một sự trợ giúp từ phía bà, nhưng mẹ chồng tôi kịch liệt phản đối. Bà bảo, bà làm vợ bố chồng tôi đã 30 năm rồi mà chưa bao giờ bà bắt chồng phải cầm cái chổi quét nhà chứ đừng nói là rửa bát, đi chợ, nấu cơm. Vì thế, tôi cũng đừng bao giờ có ý định bắt chồng phải làm những việc đó.
Mẹ chồng tôi còn khẳng định, rửa bát, quét nhà, nấu cơm, chăm con là công việc của phụ nữ. Bà còn ám chỉ tôi, một người phụ nữ lúc nào cũng nói yêu chồng mà để chồng làm những việc như thế thì liệu có yêu chồng hay không?. Rồi bà bảo con trai, nếu tôi bắt anh làm việc nhà thì cứ nói với bà một tiếng, bà sẽ “chấn chỉnh”.
Bây giờ thì tôi không biết làm như thế nào để chồng và mẹ chồng hiểu rằng, đàn ông làm việc nhà không hèn.

GiadinhToday - Đất Việt

Anh chàng chậm vợ

Đã ở tuổi “băm”, thằng cháu mình, vẫn chưa chịu lấy vợ dù ba đứa em của nó đã có gia đình. Chị dâu mình nhờ: “Chú nói giùm anh chị một tiếng với. Vợ chồng chị bó… miệng rồi”.
Sự thật về những anh chàng ế vợ, Bạn trẻ - Cuộc sống, E vo, dan ong, lang lo
Kiểm tra “chứng chỉ đàn ông”
Phước, thằng cháu chậm vợ, có khuôn mặt dễ nhìn, ăn mặc giản dị nhưng ăn nói có phần tếu táo, hát khá hay. Nó từng “nổ”, nói chú à, trong huyện này, giọng hát của cháu được xếp loại hai, không có ai loại… một.
Mình nhậu với ba nó, nó đi đâu về, hình như cũng tưng tưng rồi, sà vào bàn nói chào chú. Mình nhớ tới nhiệm vụ chị giao nên “nhập đề” ngay, nói chú với ba mày đã vào tuổi xế chiều. Mày lấy vợ để hai “lão gia” này còn chút hơi tàn mà đi họ chớ. Nó cười nhẹ như không, nói cháu “quy hoạch” ất giáp lắm nhưng hổng hiểu sao cuộc tình nào cũng bị “treo”.
Mình vỗ vai nó, nói: “Ráng lên cháu ơi, ba mươi mấy rồi. Cùng trang lứa với mấy có đứa hai ba con rồi đó…”. Nó cười, nói lấy vợ sớm làm gì để… lời ru thêm buồn. Ông anh mình trợn mắt, nói: “Cái thằng, mày dám giỡn mặt với chú mày à? Mày phải “chỉ điểm” mối nào cho dứt khoát để ba lo. Còn chút mày nữa thôi. Lông bông hoài sao được…”.
Ba nó bấm nhỏ mình, nói: “Mà này, hay là mày tự kiểm tra… chứng chỉ đàn ông của mày coi. Ba nghi quá”. Mình hợp đồng tác chiến ngay, nói chắc “bộ phận không nhỏ” của mày có vấn đề nên mày lơ chuyện vợ con? Nó cười híp mắt, nói con thừa biết ba với chú nói cho con tức mà lấy vợ quách cho rồi. Hổ phụ sinh hổ tử. Ba sinh con ra, ẵm bồng, tắm rửa, kỳ cọ cho con chắc ba biết chớ. Con có “bằng” hoành tráng lắm chớ đủ thiếu gì cái “chứng chỉ” lẻ tẻ. Ba má cứ từ từ, con mà rung động tim yêu thì con hối ba má chạy không kịp đâu. Anh mình dằn ly đánh cạch một tiếng, nói tao với má mày đẻ con trước, rung động sau, rồi có sao đâu?
“Nội bộ” năm nay
Một hôm thằng Phước tới nhà mình chơi. Mình hâm lại chuyện vợ con. Nó ngồi bệt trên thềm thở dài rồi bắt ông chú già chát ngồi nghe chuyện tình của nó.
Người tình thứ nhất là con một thầu khoán giàu sụ. Mỗi lần rủ em đi chơi, nó phải ngồi chầu chực cả tiếng đồng hồ. Em bước ra với áo quần xanh đỏ, dây nhợ lung tung, mặt láng e như ma nơ canh. Phước nói mặt em xinh sẵn, đâu cần phấn son kỹ vậy. Cô bé xì một tiếng, nói anh quê mùa thô kệch lắm. Phụ nữ không ai ngu tới mức chờ xấu mới làm đẹp, thà tô trước còn hơn đợi xước mới tô.
Đang vi vu trên phố chợt em nói chết chết, quay lại quay lại. Em để quên đôi kính Hàn Quốc ở nhà mất rồi. Mặt em hơi xương, phải đeo kính bự cho má đầy đặn. Phước đang lưỡng lự thì em hứ cái rét, vẫy taxi về luôn. Cuộc tình “đứng hình” ngay sau đó.
Người tình thứ hai rất tự nhiên và… chân thành. Ngồi với Phước, cô chê rậm rề mấy “thằng” người yêu cũ. Em nói anh Phước đứng đắn ghê, lại có cái mũi đẹp. Không như “thằng” M. mũi tẹt, tướng đi lạch bạch xấu òm mà bày đặt mặc quần jeans. “Thằng” K. ỷ giàu, mới đi chơi lần hai nó đã chẩu mỏ “hun” ẩu em, miệng hôi rình. Còn thằng C. nữa, lần hẹn đầu tiên nó đã mân mê tay em. Em làm thinh để coi nó làm gì nữa, té ra nó kéo em vào lòng nó… Phước thấy trong người nổi gai, thầm nghĩ má tui mà nghe em kể “tình sử” kiểu này bả vả rớt răng là cái chắc. Vậy là chia tay.
Hôm qua, mình đang dọn vườn thì thằng Phước tới, giựt cái rựa làm giúp mình một hồi. Chặp lâu, nó cười toe toét, thở hổn hển, nói “có” rồi chú ơi. Em này mặn mà, đằm thắm, dịu dàng lắm. Chú qua nói giùm ba má cháu với, “nội bộ” năm nay cưới được hông chú?
Mình mừng quýnh, lật đật xỏ áo đi ngay.

GiadinhToday - TNO

Vợ không về ăn Tết, tôi bị họ hàng chửi là thằng ngu

4 năm lấy nhau nhưng vợ tôi chẳng về quê ăn Tết một năm nào. Các Tết sau đó, cô ấy cũng viện ra vô vàn lý do để không phải về quê ăn Tết. Tôi về quê một mình và bị họ hàng "ném đá" đủ kiểu.
Tôi quê tận Quảng Bình, vợ tôi người Hà Nội. Sau khi lấy nhau, ông bà ngoại hỗ trợ một ít vốn để chúng tôi mua nhà chung cư trả góp.
Vợ không về ăn Tết, tôi bị họ hàng chửi là thằng ngu 1
  4 năm lấy nhau nhưng vợ tôi chẳng về quê chồng ăn Tết một năm nào.
Còn nhớ, năm đầu tiên lấy nhau, chúng tôi chưa có con. Gần Tết, tôi nghĩ sẽ cùng vợ về quê, đưa cô ấy đi chơi, giới thiệu với họ hàng, đưa cô ấy đi xem những phong cảnh đẹp của quê nhà… Rất nhiều cảnh tượng đã vẽ ra trước mắt tôi nhưng sự thật không như là mơ.
Đùng một cái, vợ tôi bảo không về quê ăn Tết. Tôi thực sự ngỡ ngàng. Năm đầu tiên lấy nhau, cô ấy lại là dâu mới, sao không về được? Dù nhà xa đến mấy cũng phải cố gắng về nhà chồng sum vầy chứ.
Với lại, tôi là anh cả trong gia đình, bố mẹ tôi mong chờ biết bao. Đi làm xa nhà cả năm, có mỗi dịp Tết để bố mẹ gặp gỡ con cái, thế mà cô ấy nói không về với lý do không muốn bố mẹ ăn Tết một mình.
Nhà vợ có hai con gái nhưng cô em thì đang du học nước ngoài không về được. Vợ tôi là con cả nên rất lo lắng cho ông bà. Biết vậy, nhưng lấy chồng rồi thì vẫn phải lo cho gia đình chồng. Tôi động viên trước Tết hai vợ chồng sẽ đến nhà ông bà chơi. Còn tết xong 2 đứa sẽ ra sớm cho ông bà đỡ buồn. Thế nhưng vợ tôi không chịu.
Vợ chồng cũng vì bất hòa này mà chiến tranh lạnh mất một tuần. Vợ tôi về nhà bố mẹ đẻ kể lể đủ chuyện, rồi khóc lóc, than phiền. Mẹ vợ gọi điện triệu tập tôi sang nhà. Một phần bà giải thích cho con gái hiểu cái sai của việc bỏ chồng sang nhà bố mẹ. Nhưng mặt khác, bà gây áp lực buộc tôi phải thay đổi quyết định và ăn Tết ở quê ngoại.
Năm đó, tôi không về nhà. Buồn rã rời, thất vọng nữa. Tôi gọi điện thông báo cho bố mẹ với lý do năm nay cơ quan xếp lịch trực vào Tết nên không về được. Bố mẹ và các em tôi tưởng thật nên buồn nhiều. Trong khi vợ tôi lại hả hê.
Sang năm thứ 2, vợ tôi có bầu hơn 3 tháng. Mẹ vợ dặn phải giữ gìn, không đi xa, đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Thôi nghĩ cũng phải, tôi để vợ ở lại, tôi về quê một mình và mùng 5 tôi ra Hà Nội.
Về nhà ai cũng hỏi sao vợ không về nhưng tôi bạo biện thông báo vợ có thai, hay bị nghén và thường xuyên mệt mỏi. Hỏi vậy, nhưng khi nghe tôi nói xong, tất cả họ hàng đều thông cảm.
Tết năm thứ 3, vợ tôi sinh cháu gần 6 tháng. Viện cớ con nhỏ, vợ tôi lại thông báo không về quê. Tôi thuyết phục bằng cách sẽ mua vé tàu hạng nhất nhưng cô ấy không đồng ý. Cô ấy bảo con nhỏ, đi lại vất vả, lỡ trên đường xảy ra chuyện gì thì biết làm thế nào. Tôi cũng đâm lo. Năm đó, cả nhà lại khăn gói sang ông bà ngoại ăn Tết.
Năm ngoái, con tôi đã được 1 tuổi rưỡi. Trộm vía cháu cứng cáp và kháu khỉnh. Bố mẹ tôi rất muốn được gặp cháu đích tôn. Vợ tôi lại nói không về.
Tôi tức lắm, chúng tôi đã cãi nhau. Vợ giận tôi ra mặt. Tôi mặt kệ. Cái gì đúng thì phải theo. Lấy chồng hơn 3 năm mà con dâu chẳng về nhà chồng, ông bà nội cũng chưa biết mặt cháu thế nào. Bây giờ con đã lớn, đáng ra vợ tôi phải thu xếp cho cháu về thăm họ hàng bên nội. Tôi tuyên bố dù sao tôi vẫn về, vợ không về thì thôi.
Tôi về nhà mang theo một nỗi bực tức vô cùng lớn. Bố mẹ tôi trách móc đủ điều. Họ trách tôi không biết dạy vợ, để vợ lấn lướt, coi thường nhà chồng.
Mẹ tôi ca thán suốt ngày, đụng đến cái gì bà cũng nói. Nhất là ngồi mâm cỗ, mấy bác đã nói với tôi rằng "Chú mày dễ tính quá", hay "Chỉ có thằng ngu với không dạy vợ. Chú mày xem anh đây, vợ con nghe lời răm rắp, làm gì có chuyện con dâu lấy chồng mà không chịu về nhà chồng phục vụ mấy mâm cỗ ngày Tết…".
Vợ không về ăn Tết, tôi bị họ hàng chửi là thằng ngu 2 
Thậm chí, 7 ngày tôi về Tết, cô ấy cũng chỉ gọi điện hỏi thăm bố mẹ tôi đúng 1 lần. Tôi càng bực. Ngày lên tàu ra Hà Nội, mẹ cầm tay tôi dặn dò. Tôi thấy những giọt nước mắt lăn trên má. Mẹ chỉ nói "thương con"…
Còn gần 3 tuần nữa là Tết, hôm trước mẹ gọi điện hỏi xem tình hình Tết nhất thế nào. Bà bảo cả nhà cố gắng về cho vui, năm nay con dâu mà không về thì mẹ biết ăn nói với các chú, các bác như thế nào?

GiadinhToday - Afamily

Đêm tân hôn ẩu đả vì phong bì

Âm thanh phát ra từ phòng tân hôn của đôi vợ chồng Quế - Lâm không phải những tiếng động hoan lạc, mà là tiếng ẩu đả vì… phong bì mừng cưới.
Hết cả hơi, Quế mới gội được mái tóc cứng đơ vì cả lạng keo xịt và tẩy trang xong khuôn mặt tầng tầng lớp lớp mỹ phẩm. Tắm xong đã mệt lử, cô về phòng riêng và cau mày khó chịu khi thấy chú rể của mình đã lôi đống phong bì ra xé xé, đếm đếm, ghi ghi mà không thèm đợi vợ.
Hì hụi cả tiếng đồng hồ, họ cũng thống kê xong chỗ tiền mừng cưới. Quế ôm đống tiền định cất vào cái hòm nhỏ của mình thì Lâm vội bảo: “Thôi đưa đây, mai anh đem vào ngân hàng gửi, em đoảng bỏ xừ”. Quế cãi: “Anh đã thấy em làm mất tiền bao giờ chưa? Mai chính em đưa vào ngân hàng gửi, để tên em thì mới yên tâm được, chứ giao cho anh ấy à, khi hỏi đến chả còn đồng nào. Có điều, trước khi gửi còn phải trả ông bà ngoại tiền cỗ, chứ có phải của mình hết đâu”.
Đêm tân hôn ẩu đả vì phong bì 1
Bố mẹ Lâm nghèo và già yếu, không góp được đồng nào vào đám cưới của con. Đôi trẻ cũng không có nhiều, nên chuyện cưới xin được bên vợ hỗ trợ phần lớn. Từ tiền mua sắm các vật dụng cho đôi vợ chồng trẻ đến tiền nhẫn cưới, chụp ảnh cưới… đều bên ngoại lo. Riêng chuyện cỗ cưới, tuy hai nhà tổ chức chung, nhưng theo lệ thường vẫn phân định rõ ràng khu vực nhà trai, nhà gái, hoặc có ngồi lẫn lộn thì chí ít cái hộp tiền mừng cũng để riêng.
Biết thông gia khó khăn, bố mẹ Quế sẵn sàng trả tiền cả phần cỗ của nhà trai, nhưng Lâm ngại, và Quế cũng không đồng ý. Cô một là sợ mang tiếng bố mẹ bỏ tiền ra “mua” chồng cho mình, hai là không muốn tạo cho chồng thói quen ỷ lại nhà vợ. Vì thế, quyết định cuối cùng là bố mẹ Quế cứ thanh toán hết với nhà hàng, sau đó hai vợ chồng sẽ dùng tiền mừng đưa lại ông bà phần cỗ của nhà trai. Trong đêm tân hôn, thấy chồng có vẻ “quên mất” số nợ này, chỉ lăm lăm đòi gửi tất vào ngân hàng dưới tên anh nên Quế có phần bực bội.
Nghe vợ nhắc, Lâm cau mặt. Anh nghĩ, ông bà nhạc đồng ý chuyện cỗ nhà ai nhà ấy thanh toán chẳng qua cho đẹp mặt con rể thôi, chứ đối với ông bà, số tiền ấy đáng gì, đằng nào khi mình đem sang trả, ông bà cũng cho lại hai vợ chồng làm vốn, sao Quế lại nói năng cứ như anh định quỵt nợ nhạc gia vậy. “Bố mẹ có so đo mấy đồng lẻ ấy đâu mà sao em cứ phải chắc lép với chồng như thế?”, Lâm nói. Quế giận quá, bảo cô cũng chỉ muốn bảo vệ danh dự của anh và gia đình anh, chứ nếu chỉ nghĩ đến cái thân cô thì cứ lấy tiền bố mẹ đẻ mà tiêu cho sướng chứ tội gì, rằng số nợ đó bố mẹ cho hay không thì tùy bố mẹ, nhưng trước hết cứ phải trả đã.
Thực ra, Lâm đang nóng ruột về món nợ của bố mẹ anh, bị người ta đòi đã lâu. Anh những muốn trả giúp từ trước nhưng phải dồn tiền lo đám cưới, định bụng cứ lấy tiền mừng và “mượn tạm” vàng hồi môn của vợ trả cho xong đã, sau này sẽ từ từ nói với Quế sau, kẻo vừa về đến nhà chồng đã mất hết của nả vì món nợ chẳng liên quan đến mình, cô sẽ sốc. Lúc này, thấy thái độ của Quế, Lâm muốn nói toạc ra luôn, nhưng nghĩ đến vẻ xem thường đang hiện trên mặt vợ, anh sợ cô có những câu xúc phạm đến gia đình mình, nên chỉ buông mấy tiếng cộc cằn: “Chưa trả, sau này sẽ trả”.
Thấy chồng ngang quá, Quế giận dữ thốt ra một câu mang tính “đụng chạm”, khiến Lâm giơ tay lên định tát vợ, nhưng kịp dừng lại. Có điều, vừa thấy cánh tay chồng vung lên định hành hung, Quế đã điên tiết vừa thét lên lăn sả vào cào cấu rách cả mặt anh. Hai người làm um cả nhà, khiến bố mẹ Lâm sợ hãi mà không dám can thiệp.
Thông gia om sòm chuyện tiền nong
Hôm Ngà về lại mặt, bố mẹ cô thấy mặt con gái có vẻ hậm hực không vui thì lo sốt vó, cứ tưởng con mình trước đây có gì lầm lỡ hay trót dại khiến thằng rể gây khó dễ khi phát hiện ra. Ông nháy cho bà, bà lôi con gái vào phòng lựa lời “moi tin”. Có chỗ xả, Ngà tuôn một tràng những lời ấm ức về nhà chồng.
“Ông bà nhà ấy đúng là nói một đằng làm một nẻo, nói thì ngọt mà nuốt lời còn nhanh hơn chớp mắt”, cô dâu mới tức tối nói. Chuyện là, trước khi cưới, hai bên thông gia ngồi họp với nhau, có trao đổi về chuyện sẽ tặng quà gì cho đôi trẻ. Bên ngoại bảo sẽ cho con một cây vàng làm của hồi môn, bên nội đáp lời rằng anh chị cho con gái đã được như vậy, chúng tôi cho con trai dĩ nhiên cũng phải tương xứng, là hai cây vàng. Bên ngoại nói tuy chúng tôi bỏ tiền lo cỗ cưới cho con, nhưng phong bì thu được bao nhiêu cho chúng nó cả. Bên nội bảo tất nhiên rồi, nếu như ý anh chị đã giống ý chúng tôi thì ta tổ chức chung một chỗ cho chúng nó đỡ mệt, đằng nào hai đứa cũng cầm hết; chúng tôi cũng sẽ thêm vào chỗ đó một số tiền nữa cho các con có vốn làm ăn. Hai bên thông gia tâm đầu ý hợp, nói chuyện với nhau vô cùng tương đắc.
Ấy thế mà buổi tối sau đám cưới, mục đếm phong bì không phải do hai vợ chồng “tự lo” mà được bố mẹ chồng đốc thúc, giám sát từ đầu đến cuối. Rồi ông bà gọi Ngà ra nói chuyện, nhưng chẳng thấy dặn dò gì dâu mới về nếp nhà hay ăn ở, chỉ yêu cầu đưa hết tiền mừng lẫn vàng hồi môn cho mẹ giữ: “Tài sản trong gia đình phải quy về một mối, mai này mẹ chết thì con thay mẹ quản lý tài sản của cả nhà”. Trước giọng nói dứt khoát của mẹ chồng và ánh mắt nghiêm lạnh của bố chồng, cô dâu mới rất muốn phản kháng nhưng không biết nói thế nào cho khỏi thất lễ, bèn ngoảnh sang chồng cầu cứu. Trông anh rất khó xử, nhưng sau mấy giây ngần ngừ cũng thúc vào người vợ: “Thôi em đưa tất cho mẹ đi”.
Chỉ cần nghe thấy thế, mẹ chồng đã đứng dậy kéo Ngà vào phòng. Tiền vẫn để trên bàn phấn, vàng thì Ngà lấy trong hộp tư trang ra. Ngà định giữ lại những chiếc nhẫn mà chị em, cô dì chú bác của cô tặng, tổng cộng cũng hơn một cây vàng, nhưng mẹ chồng đã nhanh tay cầm lấy cả. Hận quá, khi chỉ còn hai người, Ngà nói với chồng: “Giờ thì em trắng tay còn hơn cả hồi con gái, lương 3 tuần nữa mới có mà chẳng còn một xu để chi tiêu. Thôi, mấy chục triệu tiền chúng mình góp với nhau để sau cưới đổi xe máy đâu, đưa cho em để còn đi trăng mật”. Chú rể thú nhận, số tiền đó, theo yêu cầu của bố mẹ, anh đã đưa để chi cho đám cưới rồi, vì ông bà bảo thiếu thứ nọ thứ kia. Ngà uất đến mức muốn ngất xỉu, chỉ biết nằm vật ra khóc suốt đêm, không cho chồng động đến người mình.
Nghe xong chuyện của con gái, mẹ Ngà tức lộn ruột, chạy ra mắng chàng rể một trận vì tội toa rập với bố mẹ lừa đảo gia đình bà, bắt nạt con gái bà. Bên nhà trai biết được, vừa mắng con dâu vừa gọi điện sang trách thông gia xúc phạm gia đình họ. Hai bên lời qua tiếng lại một lúc thì mẹ Ngà điên lên, lôi kéo chồng và mấy cô em gái sang bên đó nói cho ra nhẽ.
Bố mẹ chồng Ngà bảo quản lý tiền nong như thế nào là chuyện riêng của gia đình họ, thông gia không có quyền can thiệp; đám cưới tổ chức phần ai nấy lo, bên này chả nhờ vả gì bên đấy, còn tiền vàng đã cho con, định đòi lại hay sao mà phải thắc mắc là ai giữ? Mẹ Ngà bảo, các người trước mặt làng nước thì nói cho con thứ nọ thứ kia hoành tráng lắm, thứ gì cũng phải gấp đôi nhà gái, hóa ra cưới con trai nhưng một xu cũng không mất mà còn giàu to vì vớ được của nhà gái, trông thì đạo mạo mà cướp từng đồng của con dâu.
Bị thóa mạ, bố chồng Ngà nổi cơn thịnh nộ, tuyên bố trả dâu về cho thông gia. Mẹ Ngà cười nhạt nói hay nhỉ, người thì trả, chứ tiền vàng có trả không? Cứ thế, hai bên xửng cồ, đỏ mặt tía tai như gà chọi, may có mấy người họ hàng vừa bình tĩnh vừa khéo nói, mãi mới can ra được. Mẹ chồng Ngà nhượng bộ, trả cho con dâu số vàng do bên ngoại cho, còn toàn bộ tiền mừng bà vẫn giữ, còn vàng của bà cũng như của họ hàng bên nội tặng đôi trẻ thì dĩ nhiên vẫn được khóa chặt trong hòm bà.
Dù chưa ai thỏa ý thì rốt cuộc chuyện tiền cũng được giải quyết xong xuôi, chỉ có chuyện tình là có vẻ “như có như không” ngay sau đám cưới.

GiadinhToday - Xzone/TTTĐ

Tôi xinh đẹp mà chồng vẫn "hững hờ"

Anh vốn là người khỏe mạnh, sinh lý tốt những gần đây, nằm bên tôi mà anh đờ ra như khúc gỗ.


Lại sắp một năm nữa trôi qua. Nhìn lại cả quãng thời gian dài, tôi mới biết được rằng chưa bao giờ cuộc sống của tôi có nhiều biến động và buồn như năm nay. Tôi không biết phải dùng từ ngữ nào khi tả về cuộc sống của mình hiện tại. Tôi vẫn làm việc, vẫn chăm lo gia đình nhưng trong tôi lúc nào cũng có một mối lo lắng và một nỗi buồn khủng khiếp.
Chồng tôi giờ đây đã là một con người khác hoàn toàn. Anh bất cần đời và thực sự không còn tình cảm gì với tôi, với gia đình. Tôi không biết chính xác lý do từ đâu nhưng tôi cũng đoán một là do anh cờ bạc, nợ nần nhiều quá, mặc dù tôi đã trả rất nhiều nhưng vẫn chưa hết. Hai là công việc của anh khó khăn mà lại không có tiền để anh ăn chơi như xưa. Ba là anh đã có người phụ nữ khác... Nói chung khi một con người thay đổi theo chiều hướng xấu thì phải có lý do, không ai tự dưng lại như vậy cả.
Tôi thất vọng vì chồng nhiều lắm. Nói thực bây giờ đối với tôi, anh đừng lấy tiền của nhà đi là may rồi chứ tôi chẳng trông ngóng gì ở anh. Anh không có tiền, anh say xỉn suốt ngày, về nhà là anh lăn ra ngủ và nếu không được như ý thì anh cáu giận. Đầu tiên tôi còn nghĩ, còn muốn lấy lại cảm xúc vợ chồng, còn muốn rủ anh đi đổi gió nhưng bây giờ thực sự tôi đã chán, cứ để chuyện gì đến sẽ đến mà thôi. Anh không thay đổi theo chiều hướng tích cực mà ngày càng xấu hơn. Con người anh vốn dĩ cũng không bản lĩnh rồi. Nếu ham muốn cái gì là không thể dứt ra được, tôi cũng chẳng mong gì anh tốt lên được. Con người anh từ trước đến giờ vẫn vậy, chẳng qua bây giờ anh mới bộc lộ hết mà thôi.
Tôi đã nhìn thấy tương lai đen tối của mình, tôi muốn bỏ chồng nhưng không đủ quyết tâm và lòng can đảm để làm việc đó. Còn anh cũng chẳng thích cái gia đình này nữa rồi. Nói chung, tôi thất vọng rất nhiều và cho dù có thế nào thì sự việc cũng không bao giờ tốt hơn được. Chồng tôi bây giờ không thuộc về tôi nữa. Còn anh thuộc về ai, có lẽ chỉ có anh biết mà thôi. Không biết anh có hiểu được tâm trạng một người vợ như tôi hay không? Tôi căm giận anh... Nếu cuộc sống này tồi tệ với tôi như vậy thì có lẽ tôi chẳng còn ý nghĩa gì nữa để mà cố gắng.
Nhìn các con mà tôi thấy xót xa, chúng sẽ ra sao nếu bố mẹ chúng mỗi người mỗi ngả? Tôi không muốn các con tôi thiệt thòi khi đã sinh ra trên cõi đời này. Nhưng tôi cũng không muốn mãi sống với một người đàn ông như thế. Tôi đã quá chán nản rồi. Ngày nào anh cũng về muộn và say xỉn, còn nếu không thì không về nhưng chẳng biết đi đâu. Tại sao tôi lại chán cuộc sống vợ chồng này đến vậy cơ chứ, anh đã lấy tôi và làm cuộc sống của tôi đen tối. Tôi hận anh...
Giờ đây, tôi rất cần một lời khuyên chân thành từ mọi người. Tôi muốn mọi người nói cho tôi biết tôi phải làm gì để cứu vớt cuộc hôn nhân này. Tôi và anh, hai người yêu nhau từ hồi còn là học sinh phổ thông, sau đó học xong đại học một năm sau mới cưới. Chúng tôi đã yêu nhau 8 năm, đủ để cho tình yêu chín muồi, không phải là nông nổi.
Nhưng ngay từ khi yêu nhau, anh đã là người ham mê cờ bạc, khiến cả gia đình anh nghĩ rằng tôi là thủ phạm của việc đó. Ngày đó, tôi bị gia đình anh coi thường nhiều lắm vì nghĩ tôi chơi bời chứ họ không tin là anh cờ bạc. Lấy nhau được mấy năm, anh lại dính vào con đường tệ nạn, tôi đã phải vay mượn trả nợ cho anh, mong rằng anh nhận ra sai lầm của mình mà sửa chữa. Nhưng hình như cờ bạc đã ăn vào máu rồi nên khó mà dứt ra được. Chồng tôi lại một lần nữa đi vào vết xe đổ của chính mình mà lần này thì là số tiền rất lớn. Tôi đưa cho anh toàn bộ số tiền hai vợ chồng mười năm tích cóp, cộng với tôi cắm sổ đỏ vay ngân hàng nhưng hình như tôi đã nhầm. Số tiền đó không phải là toàn bộ, anh vẫn còn nợ nữa... và anh lại chơi cờ bạc cá độ bóng đá.
Tôi buồn vì mất tiền thì ít mà vì mất lòng tin vào chồng thì nhiều. Tại sao anh lại không thể nào thay đổi? Ngày chúng tôi lấy nhau nghèo lắm. Tôi về nhà chồng mà không có tiền, thu gom được tiền cưới bao nhiêu lại trả nợ tiền cờ bạc hồi còn sinh viên cho anh. Bố mẹ tôi khuyên không nên lấy người đàn ông như vậy rồi tôi sẽ khổ nhưng lúc đó vì quá yêu anh, tôi đã nói với bố mẹ tôi dù lấy xong tôi có đi ăn mày tôi cũng chấp nhận. Vậy mà đến bây giờ, chúng tôi cưới nhau đã 10 năm mà anh chẳng thay đổi, ngày càng tồi tệ hơn.
Bây giờ, tối đến anh chẳng về nhà. Lúc nào hỏi anh cũng bảo anh đi công việc rồi bận việc này, việc khác. Có rất nhiều lần anh nói dối tôi mà tôi không biết mục đích của anh là gì? Thêm vào đó, tình cảm vợ chồng sứt mẻ, anh về nhà không còn ham muốn như trước, thậm chí về nhà là anh lăn ra ngủ, về sớm ngủ sớm, chẳng quan tâm gì đến cảm giác của tôi. Tôi có chồng mà như không. Anh cũng chẳng bao giờ quan tâm đến các con anh. Nhiều hôm, vợ chồng ân ái mà anh bỏ giữa chừng khiến tôi nghĩ ngợi nhiều lắm. Anh là người khoẻ mạnh, chỉ tháng trước sinh lý của anh rất tốt. Nếu tôi không đáp ứng được, anh còn mộng tinh nhưng bây giờ nằm bên tôi mà anh như khúc gỗ.
Tôi không biết đã xảy ra chuyện gì nữa. Tôi nghi ngờ anh bồ bịch ở ngoài nhưng đương nhiên là anh chẳng phủ nhận cũng chẳng công nhận. Tôi là người phụ nữ đoan chính, không lăng nhăng. Tôi cũng xinh đẹp, quý phái, cũng giỏi giang, thu nhập thậm chí cao hơn anh. Cho dù chồng tôi đối xử như vậy nhưng chưa bao giờ tôi dám phản bội lại chồng. Nhưng tại sao anh không hiểu điều đó? Tại sao anh không trân trọng tôi? Tại sao? Hơn lúc nào hết, tôi mong nhận được lời khuyên từ các bạn.

GiadinhToday - Ngôi sao

"Mẹ cũng có chồng, sao lại cướp chồng con?"

Chuyện nhà bà Hồng đang trở thành sự kiện nóng hổi của cả khu phố khi nàng dâu ‘tai ngược’ lớn tiếng tố cáo bà cướp chồng cô.
‘Mẹ cũng có chồng, sao lại cướp chồng con?’ 1
“Mẹ đi mà yêu chồng mẹ ấy”
Mấy hôm nay, nhà bà Hồng lặng ngắt vì hai người đàn bà tránh mặt nhau, trong khi hàng xóm thì ồn lên, hào hứng “buôn dưa”. Các bà già lắc đầu bảo bọn dâu con bây giờ láo thật, những câu như vậy cũng dám nói với mẹ chồng, cho dù bà Hồng đúng là cũng tai quái. Còn cánh phụ nữ trẻ thì hả hê, coi Huệ, con dâu bà, là nữ anh hùng khi dám ném vào mặt “kẻ áp bức” những câu như nói hộ lòng họ như vậy.
Sự bất mãn đã ủ men trong lòng Huệ từ mấy năm trước khi bắt đầu về làm dâu, bởi cái luật bất thành văn trong gia đình: cái gì trái ý bà Hồng, cái đó nhất định sai. Cả ba người đàn ông, gồm chồng và hai con trai bà Hồng, đều nhất nhất nghe lời bà, vậy không cớ gì cô con dâu chân ướt chân ráo từ đâu về lại chẳng tuân lệnh.
Huệ phải tập ăn cay, thậm chí cả nước canh cũng cay xé lưỡi, tập nấu cơm bằng nồi áp suất và vô số “quy định” tỉ mỉ khác trong nếp sống nhà chồng. Từ chỗ diện đúng mốt, cô Huệ đổi sang “ăn mặc như mụ điên” để không phải nghe mẹ chồng lải nhải cho đến khi cô khuất phục. Một ví dụ điển hình là khi cô diện quần tất mỏng màu đen hoặc cát cháy, mẹ chồng cứ ca cẩm “đi tất gì mà chân đen như cẳng chó, trông vừa xấu vừa kém đứng đắn’, rồi “khuyên” con dâu dùng loại quần tất màu trắng ngà như của bà để đôi chân nó trắng trẻo. Thấy Huệ không nghe, bà cứ nói mãi, lôi cả đám đàn ông không bao giờ dám trái ý trong nhà ra làm trọng tài, khiến Huệ nổi khùng vứt hết đám quần tất rồi chuyển sang mặc quần bò cho yên thân.
Nhưng điều làm Huệ “cay” nhất là bà Hồng luôn muốn kiểm soát tình cảm của con trai với con dâu. Mặc dù được chồng chiều theo mọi ý thích nhưng bà lại rất khó chịu khi con trai tỏ ra chiều vợ. Trong bữa ăn, có món gì ngon, nếu chồng chậm gắp vào bát mình thì bà sẽ dỗi không ăn, nhưng nếu thấy con trai gắp cho vợ thì bà hầm hầm nét mặt mỉa là đồ dại gái. Trong khi chồng bà hằng ngày đấm lưng, bóp vai cho vợ thì bà vẫn bực tức ra mặt khi con trai dắt hộ vợ chiếc xe máy khi đi làm. Nhiều lần bà “dạy dỗ” Huệ rằng đàn bà cũng phải biết tự lập, đừng có việc cỏn con cũng nhờ chồng, rằng đã lập gia đình thì đừng có nhõng nhẽo bắt chồng chiều như thời con gái.
Mỗi buổi tối, sau khi ăn uống dọn dẹp xong, hầu chuyện bố mẹ một lúc, Huệ muốn cùng chồng về phòng tâm sự, vì vợ chồng mỗi ngày cũng chỉ được một vài giờ bên nhau. Thế nhưng lần nào bà Hồng cũng xua con dâu về phòng trước rồi cầm chân con trai cho đến lúc bà quyết định đi ngủ. Huệ nói:“Mẹ chồng em quen với việc là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, vừa muốn ra lệnh vừa muốn được chiều chuộng, độc chiếm những người đàn ông trong nhà. Bà không muốn họ để mắt đến ai khác, kể cả vợ hay người yêu. Thế là tối nào cũng vậy, bà ngồi như nữ hoàng với chồng và hai con trai xung quanh dù chẳng có việc gì, và cho con dâu ra rìa”.
Một hôm, đang sẵn bực tức với sếp ở cơ quan, nghe mẹ chồng dạy là đêm ngủ đừng có “bóc lột” chồng quá kẻo khổ thân “nó”, nên bỏ cái thói ích kỷ mới hơn 9 giờ tối đã muốn lôi chồng về phòng riêng như thế, Huệ nổi điên bật lại. Mẹ con qua lại mấy câu nữa thành cãi nhau to. Hồng gào lên: “Mẹ cũng có chồng, sao cứ đòi cướp chồng con? Mẹ lúc nào cũng đòi bố phải chiều mẹ, xoắn xuýt bên mẹ, sao lại cấm chồng con yêu thương con? Mẹ đừng có lấy cớ là vì yêu con trai này nọ, mẹ đi mà yêu chồng mẹ ấy”.
“Mày không được phép sướng hơn tao”
Cũng căm ghét việc con trai thể hiện tình yêu với con dâu nhưng nguyên nhân sâu xa của bà Liên lại hoàn toàn khác. Là một phụ nữ từng gặp bất hạnh trong hôn nhân, bà không chịu nổi khi nhìn con dâu hạnh phúc.
Mặc dù không hề phản đối con trai lấy Quỳnh nhưng ngay từ hồi cô về ra mắt đến nay, bà Liên chưa bao giờ ngừng việc chê bai cô với mọi người: một đứa con gái chẳng có gì nổi bật, nhan sắc bình thường, sức khỏe kém, trình độ vừa phải, nấu nướng cũng chỉ tàm tạm, gia cảnh chẳng lấy gì làm khá. “Ấy thế mà nó thật tốt số, lấy được thằng chồng vừa giỏi vừa tốt, đúng là trời không có mắt, ở đời chẳng có gì là công bằng”, bà nói với giọng cay đắng.
Sở dĩ bà Liên thấy trời không có mắt là do xét các mặt, bà hơn đứt con dâu: xinh đẹp hơn, sắc sảo hơn, nữ công gia chánh vào hàng xuất sắc, ấy thế mà đường tình duyên lại khổ một đời. Sống chung với bố chồng Quỳnh được 6 năm thì ông yêu người khác và kiên quyết ly dị, bà sống trong nỗi thù hận với đàn ông. Rồi không cam lòng chôn vùi cuộc đời trong cảnh cô đơn, bà tạm gác nỗi hận ấy để xúc tiến việc tìm hiểu những người đàn ông khác, hy vọng có thể đi bước nữa. Có ít nhất 3 người đàn ông tiến đến mức “mấp mé hôn nhân” với bà nhưng rồi đều rút lui cả. Bà đành ở vậy nuôi Cường, cậu con trai duy nhất.
Chứng kiến cuộc đời mẹ, Cường rất hiểu nỗi khổ của phụ nữ, nên khi lấy vợ, anh cố gắng đối xử vợ thật tốt, với thật nhiều cảm thông và yêu thương, nương nhẹ. Nhưng chính điều đó khiến bà Liên thấy đố kỵ, mặc dù Cường trước sau không hề lơ là việc bày tỏ tình cảm và chăm sóc mẹ. Dù con trai rất có hiếu nhưng bà nghĩ, bà đã khổ cả đời, lại là mẹ đẻ của anh nên hưởng phúc là đương nhiên, còn “con bé kia” là người dưng nước lã, lại chẳng có công lao gì sao đã sung sướng sớm như vậy? Nghĩ đến những đoạn trường đã trải suốt mấy chục năm, bà thật không cam lòng.
Vì thế, tuy trước mặt con trai, bà Liên tỏ ra phúc hậu, bao dung nhưng sau lưng anh, bà tìm cách gây khó dễ  cho nàng dâu, hành hạ cô, muốn cô cũng nếm trải ít đắng cay cho công bằng. Bà cũng khéo léo răn đe,  ràng buộc để Quỳnh không “mách” chồng. Vì thế, Cường không hiểu tại sao tuy được cả gia đình yêu thương, điều kiện kinh tế lẫn công việc đều thuận lợi mà vợ vẫn ngày một xanh xao, với những thoáng u uất, buồn bã, nhưng hễ hỏi đến thì cô lại cười xòa làm ra vẻ không có gì. Đôi khi, trước sự quan tâm của chồng, Quỳnh rơi nước mắt nhưng lập tức lấp liếm.
Một lần, khi bị mẹ chồng ép quá, Quỳnh hỏi thẳng rằng cô không đắc tội gì với bà, sao bà lại ghét cô như vậy. Mẹ chồng trả lời: “Tao không ghét mày, nhưng đời mày quá sướng, quá may mắn. Mày không được phép sướng hơn tao, hiểu chưa?”.
Quỳnh nghĩ mình nên thông cảm với mẹ chồng, nhưng cô cảm thấy nếu cứ thế này thì không sống nổi. Cô muốn nói thật với chồng, nhưng lại sợ anh đau khổ. Vả lại, mẹ chồng cô chắc đã tính đến chuyện ấy mà chuẩn bị phương án đối phó, nên nếu nói ra, mẹ chồng “phản chiêu” thì có khi cô lại thành kẻ dối trá, vô ơn, sướng còn không biết đường hưởng… “Đến một ngày nào đó không chịu nổi nữa, có lẽ em sẽ để lại một bức thư cho anh ấy, kể hết mọi chuyện rồi ra đi, vì em không nỡ bắt anh ấy lựa chọn giữa vợ và mẹ” - Quỳnh nói.
Những người bạn của Quỳnh cho rằng giải pháp đó cực kỳ trẻ con, sặc mùi “sến sẩm” kiểu tiểu thuyết ba xu. Họ khuyên cô nói cho chồng biết, để nếu anh không “điều chỉnh” được mẹ thì cũng biết vợ mình đang gặp chuyện gì; có một người thấu hiểu thì sẽ dễ chịu đựng sự hành hạ của mẹ chồng hơn.
Hiện Quỳnh chưa biết mình sẽ làm gì. Còn mẹ chồng cô hả hê vì hành tội được con dâu nên dường như không nhận ra bà đang “ăn bớt” hạnh phúc của con trai mình.

GiadinhToday - TTTĐ/Xzone

Chồng đi "chơi gái" trước ngày tận thế

Nghe những lời bàn tán về ngày tận thế, Dũng sống gấp bằng cách "chơi" gái mại dâm.
Càng tới ngày 21/12, dân tình càng xôn xao vềngày tận thế. Trong bữa cơm, trà dư tửu hậu, lúc rảnh rỗi mọi người bàn luận, phỏng đoán về những gì có thể xảy ra trong ngày mà cả nhân loại phải diệt vong đó.
Chẳng biết cái ngày đại họa đó có xảy ra không nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, tư tưởng cần phải tranh thủ làm những gì… mình chưa từng biết để ngộ nhỡ có chết cũng không hối hận. Chính bởi suy nghĩ đó mà nhiều gia đình đã lao đao chỉ vì ngày tận thế.

Chồng tranh thủ ngoại tình trước ngày tận thế

Thoa khóc ngặt nghẹo khi phát hiện ra chồng “tình một đêm” với cô bạn cũ hồi đại học. Có nằm mơ cũng không bao giờ Thoa nghĩ rằng chồng mình lại có ngày ngoại tình. Khi tra khảo ra cô mới biết cái nguyên nhân để chồng ngoại tình lại đến từ cái việc…sợ chết trong ngày tận thế.

Trước nay mọi người vẫn nói Vũ là một người đàn ông hiền lành, nhút nhát, thậm chí còn có phần sợ vợ. Bản thân Thoa cũng thấy Vũ là người chồng tử tế, biết nghĩ tới vợ con. Bởi thế cái tin Vũ quan hệ với người phụ nữ khác khiến không ít người phải giật mình. Có ai ngờ đâu, chỉ vì nghe mọi người dèm pha, khích bác thậm chí là dọa nạt mà Vũ trót dại đi “tình một đêm”.

Sợ ngày tận thế, chồng "tình một đêm" với người bạn cũ (Ảnh minh họa)
Sau khi bị vợ phát hiện, Vũ thật thà tâm sự: “Anh thấy mấy anh em ở công ty cứ bàn ra, bàn vào chuyện ngày tận thế. Các anh ấy bảo là ngày đó thì tất cả chết hết. Các anh còn xúi chưa trên đời này chưa làm gì thì tranh thủ làm đi chứ không chỉ còn ít ngày nữa là chết thì phí lắm. Bởi thế hôm rồi đi họp lớp, gặp lại cô bạn cũ, ngày trước cũng có chút tình cảm với nhau. Cô ấy cũng bỏ chồng rồi, lại bị mấy thằng bạn hún vào nên anh “tặc lưỡi” làm liều. Mong em bỏ quá cho anh. Anh xin hứa không bao giờ phạm sai lần thêm một lần nữa”.

Nhìn bộ dạng thất thểu, sợ hãi của chồng Thoa vừa tức tối vừa thương chồng dại Vũ cầu xin vợ vì đây là lần đầu trót dại. Tất nhiên, vì gia đình, Thoa đành ngậm ngùi bỏ qua mọi chuyện dù giận chồng nhưng cũng thể chỉ vì tình một đêm của chồng mà đánh đổi hôn nhân. Thoa biết Vũ chỉ là nông nổi, suy nghĩ chứ bản chất không phải là một người đàn ông phụ bạc vợ con.

“Thực sự mình rất tức tối và đau khổ khi chồng lên giường với người đàn bà khác. Chẳng hiểu có ngày tận thế hay không nhưng đúng là cái lối suy nghĩ tranh thủ, sống buông thả ấy đã ảnh hưởng tới gia đình, hạnh phúc vợ chồng. Chỉ mong sao không có gia đình nào phải như nhà mình nữa” – Thoa nghẹn ngào tâm sự.

Chồng sống gấp trước ngày tận thế bằng cách quan hệ với gái mại dâm

Cũng là một bi kịch gia đình chỉ vì cái tư tưởng sống gấp trước ngày tận thế mà gia đình Thơm rơi vào sự éo le còn trắc trở gấp vạn lần so với gia đình nhà Thoa. Giờ đây, chẳng biết ngày tận thế xảy ra những điều gì nhưng chồng Thơm đang phải sống trong những ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm có nhiễm HIV hay không chỉ vì một lần đi với gái mại dâm.

Chồng Thơm là một người giao lưu, giao tiếp rộng, thường xuyên phải đi gặp gỡ đối tác kinh doanh nên rượu chè suốt. Tuy nhiên, vốn là người có hiểu biết, suy nghĩ nên Dũng rất biết giữ mình, không bao giờ anh đi quá giới hạn hoặc làm những gì có hại cho bản thân và ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Vậy mà chỉ vì những ám ảnh về ngày tận thế, chỉ vì một vài lời khích bác của đối tác mà cuối cùng Dũng đã phạm phải sai lầm.

Lần đó, sau bữa tiệc đã đã ngà ngà say, bạn bè rủ Dũng đi chơi gái. Dũng từ chối nhưng rồi vài câu phân bua của bạn bè mà Dũng nao lòng: “Làm thằng đàn ông sao phải nhát thế. Hơn nữa, ngày tận thế cũng sắp tới rồi, không ăn chơi đi chết lại hối. Còn gì chưa làm thì làm tới bến đi, nếm mùi đời cho biết chứ tội gì chết trong sự ngô nghê”. Vài lời bàn ra tán vào, khích bác thế là Dũng gật đầu cái rụp. Và chuyện gì phải xảy ra cũng đã xảy ra.

Rượu vào không kiểm soát được hành vi, Dũng quan hệ với gái mại dâm mà không bảo vệ. Tỉnh dậy thấy mình trên giường với cô gái mặt đầy son phấn, trên người không mảnh vải che thân Dũng mới giật mình hoảng sợ.

Dũng khai thật với vợ tất cả mọi chuyện. Dù rất đau khổ nhưng Thơm cũng đành phải tha thứ và cùng chồng đi khám với hi vọng chồng không nhiễm phải căn bệnh thế kỉ đó nếu không thì ngày tận thế của gia đình đã tới rồi. Thơm đau khổ tâm sự: “Mình không hiểu vì sao chồng lại có suy nghĩ tồi tệ tới như vậy. Dù cho có ngày tận thế thật đi chăng nữa thì điều cần làm là sống tốt, đối xử tử tế với vợ con chứ không phải là buông thả, suồng sã quan hệ với gái mại dâm như vậy. Mình chỉ mong rằng, anh ấy còn cơ hội để quay về gia đình mà thôi”.

Ngày tận thế còn là một dấu hỏi lớn với mọi người. Nhưng đừng chỉ vì suy nghĩ sẽ xảy ra thảm họa trong ngày đó để rồi sống buông thả, sống gấp để lao vào những cuộc chơi, hủy hoại bản thân mình và gia đình. Điều đó sẽ chỉ làm cho hạnh phúc gia đình tới ngày tận thế nhanh hơn mà thôi.

GiadinhToday - Eva